(ictdanang) – Đúng vào lúc 16g30 chiều nay (21/6), sau 2 giờ nghe các Đội thi thuyết trình về đề tài sản phẩm dự thi, 1 giờ hội ý, tranh luận và cho điểm, Ban Giám khảo Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web & lập trình cho ứng dụng di động, đã quyết định trao giải Nhất cho sản phẩm Nutri Life (phần mềm hỗ trợ tra cứu về chế độ dinh dưỡng đa đối tượng).
Phần thưởng cho mỗi thành viên của Đội giành giải Nhất là 1 máy tính xách tay Lenovo S410 i3 đã thuộc về 3 thành viên đội HKT – đến từ Đại học Duy Tân gồm: Trần Anh Khoa, Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Văn Hải.
Ông Phạm Kim Sơn-Thành uỷ viên, Phó Trưởng ban, BCĐ Ứng dụng CNTT TP, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng trao giải Nhất đến các thành viên Đội HKT – đến từ Đại học Duy Tân. -Ảnh: T.N. |
3 Nhà vô địch Hackathon IBM, Đà Nẵng-2015: Trần Anh Khoa, Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Văn Hải.
|
Trước đó, từ 8g30 sáng, các Đội dự thi Hackathon-IBM 2015 đã sử dụng tài khoản được cấp để đăng ký ứng dụng sẽ phát triển (đề tài sản phẩm chính thức tham dự Cuộc thi) và thực hiện lập trình cho ứng dụng ngay trên Bluemix.
TS.Nguyễn Quang Thanh-Phó Giám đốc Sở, Trưởng BTC phát biểu khai mạc. |
Phát biểu khai mạc cuộc thi, TS.Nguyễn Quang Thanh-Phó Giám đốc Sở, Trưởng BTC nhấn mạnh:
“Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web & lập trình cho ứng dụng di động do Sở Thông tin-Truyền thông TP cùng IBM Vietnam phối hợp tổ chức không ngoài mục đích tạo lập một môi trường ứng dụng CNTT rộng rãi, giúp các em SV có điều kiện đem những kiến thức chuyên môn đã học và các kỹ năng lập trình, ứng dụng vào thực tiễn.
TP Đà Nẵng cho đến nay là địa phương duy nhất của cả nước, có đến 5 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng (khối các tỉnh/TP) về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (Ict Index); chúng ta tự hào về thành quả đó song cũng phải luôn xứng đáng với sự đánh giá hết sức khách quan của các cơ quan hữu trách, sự ghi nhận của cộng đồng CNTT, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác ứng dụng CNTT vào nhiều lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt là ứng dụng vào đào tạo, vào cải cách hành chính và ứng dụng cho vận hành đồng bộ Chính quyền điện tử mà Đà Nẵng chúng ta, cũng tự hào là mô hình đầu tiên của cả nước, và được Chính phủ cho phép nhân rộng.
Ngoài ra, Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web & lập trình cho ứng dụng di động cũng góp phần cho việc phát triển các ngành và lĩnh vực công nghiệp CNTT, nhất là công nghiệp phần mềm. Đây cũng là mũi nhọn đột phá của TP chúng ta trong định hướng phát triển những năm đến.
Vào những năm 2000, Đà Nẵng chúng ta chưa hề có doanh thu từ xuất khẩu phấn mềm. Song đến nay, chúng ta đã đạt đến con số hàng chục triệu USD. Kết quả này đã thể hiện tầm nhìn, hướng đi đúng đắn. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục đầu tư, để xuất khẩu phần mềm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng trong tương lai. Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 là một trong những sự kiện, sân chơi công nghệ vừa giúp các em SV nâng cao nhận thức trong việc tạo ra những sản phẩm công nghệ, phục vụ cộng đồng, vừa thúc đẩy môi trường đào tạo nguồn lực ngày càng thiên về xu hướng ứng dụng, đáp ứng các yêu cầu của cộng đồng xã hội”.
Ông Lưu Danh Anh Vũ - Giám đốc Bộ phận Điện toán đám mây IBM phát biểu. |
Đồng tình với mục đích trên, ông Lưu Danh Anh Vũ- Giám đốc Bộ phận Điện toán đám mây IBM- khẳng định thêm:
“IBM cam kết sẽ đồng hành cùng các ý tưởng sáng tạo, chúng tôi sẽ không dừng lại ở việc trao thưởng cho các cuộc thi mà đi cùng các tác giả cho đến khi các đề tài do chính các em phát triển trở thành sản phẩm thực sự.
Phóng viên Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng tác ngiệp tại Cuộc thi. -Ảnh: T.N. |
Chúng tôi khuyến khích các em phát triển nhiều ứng dụng trên nền công nghệ điện toán đám mây, bởi các dịch vụ trên nền điện toán đám mây đã là xu thế và điều chắc chắn rằng, đó cũng là công cụ và phương thức để chúng ta đổi mới cách làm việc, thay đổi các môi trường dịch vụ cũng như các ứng dụng công nghệ.
Với TP Đà Nẵng, một địa phương được đánh giá là đổi mới và năng động của Việt Nam, sự phát triển về CNTT đã góp phần để lại những dấu ấn sâu sắc.
Những người từng có dịp ghé Đà Nẵng, một thời gian sau, quay lại với Đà Nẵng – trong đó có tôi – luôn luôn ấn tượng về sự đổi thay của TP, TP luôn có cái mới ở lĩnh vực này, lĩnh vực khác. Với Đà Nẵng, những năm trở lại đây, địa phương đã có bước phát triển trong lĩnh vực CNTT với những thành tựu rất cụ thể, trong đó, Đà Nẵng đã giành được Giải thưởng TP Thông minh của IBM.
Tôi cho rằng, những cuộc thi như Hackathon như thế này, với sự hưởng ứng của một cộng đồng trẻ, đã càng khẳng định rõ nét hơn: Các bạn trẻ đã và đang kế thừa những thành tựu trong lĩnh vực CNTT của địa phương mình; các bạn xứng đáng là người con, là người đang sinh sống và học tập, nghiên cứu ở một TP đổi mới và năng động, TP của ứng dụng CNTT”.
Cùng chung mạch cảm xúc nêu trên, các bạn Đoàn Hải Đăng, Lê Bá Đạt và Nguyễn Bá Chinh (thành viên Đội , đội Lucess – Đại học Duy Tân) chia sẻ tiếp: Đà Nẵng là TP phát triển rất mạnh về du lịch và CNTT, chính vì vậy chúng em đã chọn 2 ngành mũi nhọn này kết hợp lại với nhau trong ý tưởng đề tài. CNTT hỗ trợ du lịch phát triển (với phần mềm tìm kiếm điểm đến), nếu phần mềm có tính hoàn thiện cao, được nhiều người sử dụng, thì chính du lịch đã quảng bá cho thế mạnh CNTT và Truyền thông của TP.
Phần mềm của các bạn Đăng-Đạt-Chinh tích hợp dữ liệu với 51 điểm đến và điểm lưu trú (các bạn chỉ chọn nhóm khách sạn 2 đến 5 sao). Du khách tìm điếm đến sẽ được chỉ dẫn đường, lộ trình đến, kết hợp giói thiệu các dịch vụ lưu trú trên tuyến đường mà du khách sẽ đi; ngược lại, khi xác định được địa chỉ lưu trú, phần mềm sẽ chỉ dẫn từ nơi ở đến các điểm tham quan (lộ trình, đi theo hướng, cách bao nhiêu km…). Ở mỗi điểm đến, các tác giả đều kèm theo lời giới thiệu đủ để du khách có cơ sở lựa chọn.
“Đến nay, IBM đã và đang tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào điện toán đám mây để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng một danh mục các dịch vụ điện toán đám mây toàn diện nhất thế giới, từ Cơ sở hạ tầng như là dich vụ (IaaS) tới Nền tảng như là dịch vụ (PaaS – Platform as a Service) và Phần mềm như là dịch vụ (SaaS – Software as a Service). Đại diện IBM cũng khẳng định đang mở rộng các trung tâm dữ liệu trên phạm vi toàn cầu, mở mới các phần mềm của IBM trên mây để mọi lập trình viên có thể khai thác, và đảm bảo sự kết nối dễ dàng đến các dịch vụ đám mây của IBM thông qua “chợ đám mây” trực tuyến. IBM đã và đang giúp cộng đồng đổi mới kinh doanh, đổi mới các lề lối làm việc, bộ máy vận hành và các quy trình để bắt kịp xu thế mới của tương lai - kỷ nguyên của điện toán đám mây lai. IBM từng tiên phong công bố ba sáng kiến quan trọng liên quan đến điện toán đám mây: Đầu tư 1,2 tỷ USD để mở rộng dịch vụ đám mây IBM trên toàn cầu với 40 trung tâm dữ liệu tại tất cả các trung tâm tài chính lớn trên thế giới; Đầu tư 1 tỷ USD cho việc mở các phần mềm doanh nghiệp lên mây, cho phép các lập trình viên thiết kế những ứng dụng mới trong kỷ nguyên của đám mây lai, trên nền-tảng-như-là-dịch-vụ IBM BlueMix; Ra mắt “chợ đám mây” IBM Cloud, tạo điều kiện kết nối dễ dàng tới dịch vụ đám mây của IBM cho người dùng cá nhân hay cộng đồng làm việc. |
-Ảnh trên: Ông Nguyễn Khiêm - Bộ phận Sáng kiến học đường IBM Vietnam, thay mặt BTC, trao Giải Tập thể và Giấy Chứng nhận tham dự Cuộc thi đến 3 trường: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Duy Tân.
-Ảnh tiếp theo: BTC, Ban Giám khảo, các đại biểu chụp ảnh lưu iệm cùng các thí sinh.
(T.N)
|
Lần đầu tiên, Sở Thông tin và Truyền thông TP phối hợp cùng IBM Vietnam tổ chức Cuộc thi Hackathon-2015 về lập trình ứng dụng Web & lập trình cho ứng dụng di động, nhìn chung, các mục tiêu đề ra đều đạt được, trong đó thành công lớn nhất phải nói đến là sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ các Trường và những đam mê, nỗ lực của chính các em SV.
Công tác chuẩn bị cho cuộc thi được Trung tâm phát triển hạ tầng CNTT thuộc Sở bảo đảm với mức độ chu đáo cao. Chỉ tiếc là thời gian phát động hơi ngắn, yêu cầu về chuyên môn của cuộc thi lại khá khó, nên chưa thu hút đông đảo HSSV và các LTV trẻ đến với cuộc thi.
Tuy nhiên, qua lần tổ chức đầu tiên, chúng tôi cũng như IBM Vietnam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Nhất định trong lần tổ chức kế tiếp, sân chơi Hackathon này sẽ đón nhận sự hưởng ứng có tính lan toả cao hơn, số lượng tác giả, nhóm tác giả dự thi đông hơn và chủ đề sản phẩm ứng dụng cũng đa dạng hơn” – TS. Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở, Trưởng BTC Cuộc thi đánh giá và chia sẻ.
Ban Giám khảo Cuộc thi Hackathon-IBM 2015 về lập trình ứng dụng Web & lập trình cho ứng dụng di động, đã quyết định trao các giải:
1 Giải Nhất cho sản phẩm NutriLife, với phần thưởng cho mỗi thành viên là 1máy tính xách tay Lenovo S410 i3 đã thuộc về 3 thành viên đội HKT – Đại học Duy Tân là: Trần Anh Khoa, Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Văn Hải.
Ông Lưu Danh Anh Vũ- Giám đốc Bộ phận Điện toán đám mây IBM - trao giải Nhì đến các thành viên Đội EASIER – Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). -Ảnh: T.N. |
1 Giải Nhì cho sản phẩm IsOpen, với giải thưởng máy tính bảng Lenovo S8 cho 3 thành viên đội EASIER – Đại học Bách khoa gồm: Trương Quang Ngữ, Huỳnh Tú Thiên và Nguyễn Thị Phương Dung.
Có 2 Giải ba, phần thưởng là 1 ổ đĩa lưu trữ 1 TB, đã được trao cho:
- Các bạn: Từ Khắc Nghĩa, Nguyễn Thị Bích Trâm, Võ Thành Đạt, Đội Trăng Tròn (Đại học Sư Phạm-Đại học Đà Nẵng) với sản phẩm: Sick Be Together
- Các bạn: Đoàn Hải Đăng, Lê Bá Đạt và Nguyễn Bá Chinh, Đội Lucess – Đại học Duy Tân với sản phẩm DNGuider
Trưởng BTC Cuộc thi, TS.Nguyễn Quang Thanh cũng cho biết, các sản phẩm trên tiếp tục được nghiên cứu, phát triển hoàn thiện, với sự bảo trợ của IBM Vietnam để tranh tài ở vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Hackathon IBM-2015 (tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh).
Trưởng BTC, ông Nguyễn Quang Thanh trao Giải Ba đến 2 Đội Trăng Tròn và Lucess. |
Chia sẻ những cảm xúc khó tả khi trong 4 Đội nhà có mặt ở cuộc thi, đã có đến 2 Đội giành chiến thắng, Thạc sỹ Nguyễn Đức Mận, Trưởng Khoa Đào tạo quốc tế (Đại học Duy Tân) bộc bạch:
Đại diện IBM Vietnam và Phóng viên Website DTU trao đổi, phỏng vấn 3 Nhà Vô địch. - Ảnh: T.N. |
“Cuộc thi Hackathon IBM là sân chơi đầy thử thách. Yêu cầu của cuộc thi không hề đơn giản đối với người quyết định tham dự. Chính vì điều này, số lượng các tác giả, nhóm tác giả đã chưa mạnh dạn đến với cuộc thi.
Tuy nhiên, cũng chính những thử thách ở sân chơi này, giúp các bạn trẻ đam mê CNTT, đam mê nghề lập trình, xác định ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, rằng “Công nghệ phải phục vụ cuộc sống-Nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng”.
Người hoạt động trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, phải có sản phẩm phục vụ cho xã hội. Điều thứ hai, cuộc thi cũng đã tác động đến các yêu cầu về đổi mới phương pháp và nội dung đào tạo CNTT.
Nhà trường phải vì người học, mọi đầu tư phải hướng đến nâng cao các kỹ năng thực hành, làm ra sảm phẩm cụ thể. Từ đó, SV mới được kích thích ý tưởng sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu và chính các em phát triển thành một đề tài ứng dụng cụ thể.
Rõ ràng, những sản phẩm đi tiếp vào vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi Hackathon IBM-2015 đã nói lên rằng, xu hướng đào tạo thiên về ứng dụng, rèn luyện các kỹ năng thích nghi môi trường công việc để phục vụ và đáp ứng với đòi hỏi của cuộc sống, là hướng đi bắt buộc.
Đào tạo nặng về kiến thức chuyên môn, cho dù cao siêu đến đâu cũng không còn phù hợp khi chính cuộc sống lại luôn có những đơn đặt hàng rất thực tiễn, rất bức thiết cho CNTT nói riêng, khoa học-công nghệ nói chung”.
T.Ngọc thực hiện
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: