(Dân Việt) Hôm 31.12.2015 vừa qua là một dấu ấn thời gian đặc biệt - Cộng đồng ASEAN với quy mô kinh tế 2.600 tỷ USD và dân số hơn 600 triệu người chính thức ra đời.
Đây được xem là cơ hội cũng là thách thức trên nhiều phương diện cho Việt Nam. Từ nhiều năm trước Đại học Duy Tân đã chuẩn bị trước cho sự kiện này bằng việc tham gia sáng lập ra mạnh lưới kết nối các trường Đại học Cao đẳng trong khối ASEAN.
Lãnh đạo các trường ĐH, CĐ thuộc khối ASEAN (P2A) chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội nghị Thường niên lần thứ 4của P2A tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) vào tháng 5.2015.
Tháng 6 năm 2012, tại Bangkok (Thái Lan), Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) – đại diện duy nhất của Việt Nam - cùng Đại học Norton Campuchia, Đại học Quốc gia Lào, Học viện CNTT Myanmar và đại diện nước chủ nhà (Đại học Rangsit) đã cùng nhau hình thành nên một mạng lưới kết nối tất cả các trường đại học cao đẳng trong khối ASEAN; mạng lưới này mang tên “Hành Trình Đến ASEAN” (Passage to ASEAN; gọi tắt là P2A).
Sự ra đời của mạng lưới “Hành trình đến ASEAN” hướng đến mục đích tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học cao đẳng trong khối ASEAN nhằm giúp sinh viên các nước cùng nhau học hỏi, giao lưu kết bạn, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và sự hiểu biết về Cộng đồng ASEAN. Sau hơn 3 năm hoạt động mạng lưới “Hành Trình đến ASEAN” đã có hơn 63 trường đại học và cao đẳng tham gia làm thành viên.
“Với phương châm tất cả vì quyền lợi học tập và việc làm của sinh viên, chúng tôi xem sự ra đời của Cộng đồng của Asean là cơ hội lớn về học tập và việc làm của sinh viên Việt Nam. Chúng tôi đón bắt sự kiện này nhằm giúp cho sinh viên có sự chuẩn bị trước để hội nhập. Nếu chờ mọi cái rõ ràng thì chúng tôi e rằng muộn mất. Đấy là lý do từ 3 năm trước, Đại học Duy Tân đã tham gia xúc tiến thành lập P2A” – Nhà giáo Ưu tú, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân Lê Công Cơ tâm sự.
Hiệu phó Đại học Duy Tân, bà Lê Nguyễn Tuệ Hằng, cho biết rõ hơn: “3 năm qua, chúng tôi đã đưa nhiều sinh viên của mình tham gia các khóa học, thực tập tại các quốc gia thành viên P2A và cũng nhận nhiều sinh viên từ các nước trong cộng đồng đến tham gia học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tại ĐH Duy Tân.
Những cuộc giao lưu này đã thắp lên ngọn lửa khát vọng vươn cao, bay xa của sinh viên ĐH Duy Tân. Chúng tôi đã cho các em sinh viên thấy rằng cơ hội việc làm của các em sau khi ra trường là rộng lớn, với nhiều quốc gia, lãnh thổ, chứ không bó hẹp trong nước. Một cái chợ việc làm bao hàm nhiều ngôn ngữ trong 10 nước Asean đang mở ra nhiều cơ hội việc làm quốc tế nhưng đồng thời cũng đem lại rất nhiều thách thức ngay trên chính thị trường lao động trong nước nếu sinh viên Việt Nam chung ta không được chuẩn bị hợp lý.
Cùng với việc tham gia sáng lập ra P2A, Duy Tân đã có những thay đổi trong chương trình giảng dạy, hướng đến mục tiêu đào tạo ra những người lao động làm việc không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khu vực và trên thế giới. Hiện nay, có không ít sinh viên tốt nghiệp ĐH Duy Tân đã xin được việc làm ở các nước ASEAN như Thailand, Malaysia. P2A thực sự là một chương trình cần thiết để thúc đẩy quá trình học tập lâu dài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động quốc tế.
Nguồn: Danviet.vn
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: