Đoàn Vụ Khoa học Công nghệ về Thăm và Làm việc với Đại học Duy Tân.
Nhằm hoàn thiện Thông tư quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và Dự thảo Đề cương Xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu tại một số trường đại học trọng điểm, Đoàn Vụ Khoa học Công nghệ đã khảo sát thực tế tại 20 trường đại học trên cả nước. Trong đó, Đoàn đã đến thăm và có buổi làm việc với Đại học Duy Tân vào ngày 12/4/2019. Đây là dịp để các thầy cô cùng nhau đề xuất ý kiến để góp phần đẩy mạnh phát triển mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đa ngành, đa lĩnh vực.
Các chuyên viên của Đoàn Vụ Khoa học Công nghệ
ghi nhận ý kiến tại buổi làm việc
Dẫn đầu Đoàn công tác là bà Nguyễn Hoàng Lan - Phó Vụ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cùng các chuyên viên đã lắng nghe ý kiến của các giảng viên Đại học Duy Tân về việc xây dựng cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực Khoa học Công nghệ. Trong đó, có ba vấn đề chính được thảo luận: Dự thảo Thông tư phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học; Dự thảo văn bản về cơ chế chính sách phát triển phòng thí nghiệm trọng điểm; Văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách phát triển và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng sáng tạo.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân chia sẻ: “Nhóm nghiên cứu mạnh được xem là tế bào sống của các hoạt động nghiên cứu khoa học. Do đó, để hình thành các nhóm đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ ưu đãi đặc biệt. Khó khăn nhất đối với các trường ngoài công lập còn chưa được tháo gỡ là về nguồn lực và tài chính. Cùng có nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhưng nguồn vốn để xây dựng và phát triển trường thì có sự khác biệt giữa trường công lập và ngoài công lập. Tính đến nay, Đại học Duy Tân đã cung cấp cho thị trường lao động trong và ngoài nước khoảng 60.000 nhân sự bao gồm: kỹ sư, dược sĩ, kiến trúc sư, thạc sĩ,… nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy, để chiêu mộ những người tài hình thành nhóm nghiên cứu mạnh và xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểmliên ngành cần một nguồn kinh phí khá lớn. Vì vậy, cơ chế chính sách cần sửa đổi và có sự hỗ trợ phù hợp hơn đối với các trường ngoài công lập.”
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân
đề xuất ý kiến tại buổi làm việc
Đề xuất ý kiến xây dựng chương trình đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp và chính sách hình thành các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, PGS.TS Lê Đức Toàn - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân đã đề xuất ý kiến: “Bộ Giáo dục & Đào tạo nên chủ trì xây dựng các chương trình mẫu về đổi mới sáng tạo khởi nghiệp để giảng dạy cho các trường đại học. Từ đó, các trường có thể lựa chọn và bổ sung thêm vào chương trình đào tạo giảng dạy cho sinh viên. Còn đối với việc xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểmvẫn chưa đề cập đến việc áp dụng cho khối ngành Khoa học Xã hội & Nhân văn, Kinh tế. Vì vậy, trong cơ chế chính sách cần có sự hỗ trợ đối với các lĩnh vực này để họ có thể thu thập các thông tin làm các đề tài nghiên cứu.”
Tham gia buổi làm việc, nhiều giảng viên Duy Tân cũng đưa ra các ý kiến về tiêu chuẩn hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, xem xét các quy định về tài sản của nhà nước cho các đơn vị ngoài công lập được quản lý như thế nào và đề xuất các phương án mới như: Quy đổi tiêu chí thành chấm điểm để thu hút đội ngũ nhân lực trẻ tham gia nghiên cứu, kết hợp nhóm nghiên cứu mạnh với phòng nghiên cứu trọng điểm thành một,… Tất cả các đề xuất, góp ý được đưa ra đều được Đoàn Vụ Khoa học Công nghệ ghi nhận.
Từ những đề xuất sửa đổi và bổ sung cho dự thảo trong buổi họp, bà Nguyễn Hoàng Lan - Phó Vụ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bày tỏ: “Tôi chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp nhiệt tình của giảng viên Đại học Duy Tân. Đoàn chúng tôi xin tiếp thu và bổ sung các đề xuất xác đáng để hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học.”
(Truyền Thông)