Không khó để nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa nhà trường với các doanh nghiệp và địa phương khi nhà trường là chủ thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao còn doanh nghiệp là đơn vị tiếp nhận nguồn lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tuy nhiên, mối quan hệ đó chưa được quan tâm một cách xác đáng khi nhà trường cứ đào tạo trong khi các các doanh nghiệp cứ tuyển dụng một cách ngẫu nhiên. Kết quả của sự thờ ơ đó đang tạo ra một sự lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn lao động. Hội thảo “Chuyển giao KHCN giữa nhà trường tới c&am
Tại hội thảo, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm quyền Hiệu trưởng Đại học Duy Tân cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên của nhà trường đã vui mừng đón tiếp ông Võ Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Đà Nẵng, ông Phạm A - Phó Chủ tịch Huyện Tây Giang - Tỉnh Quảng Nam, TS. Lê Quang Nam - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Tp. Đà Nẵng, ông Phạm Kiều Đa - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Tp. Đà Nẵng, ThS Lê Văn Hiểu - Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp. Đà Nẵng cùng nhiều đại diện lãnh đạo các viện nghiên cứu, các sở ban ngành, các công ty đầu tư, ngân hàng và nhiều doanh nghiệp trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ nhấn mạnh: “Năm 1997, Đại học Duy Tân đã tổ chức buổi gặp gỡ ‘Từ Nhà trường đến Thị trường’ không ngoài mục đích tiếp nhận những sáng kiến để nhà trường xây dựng một chương trình chuẩn đào tạo những thế hệ sinh viên tài năng góp phần vào sự phát triển của đất nước. Nhà nước luôn có chủ trương gắn nhà trường với doanh nghiệp, bởi vậy hôm nay, Đại học Duy Tân tổ chức hội thảo này với quyết tâm muốn giao lưu, tìm hiểu để có thể gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và địa phương. Ở các nước phát triển, không ít doanh nghiệp đã đầu tư vào các trường đại học để tiếp nhận ở đầu ra của nhà trường những nhân tài kiệt suất. Sự đầu tư bài bản với mục đích rõ ràng đã tránh sự lãng phí không đáng có từ cả hai bên. Trên nền tảng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện đại, Duy Tân luôn mong muốn đào tạo được và đúng theo nhu cầu mà xã hội cần. Tôi tin rằng hội thảo lần này sẽ tìm ra được một hướng đi mới trong việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và địa phương để chất xám được đào tạo từ trường đại học luôn được đón nhận và sử dụng đúng mục đích.”
Với 27 chuyên ngành đại học, 12 chuyên ngành cao đẳng, 4 ngành đào tạo cao học, Duy Tân đã thực hiện nhiều chuyển giao ứng dụng các đề tài cho doanh nghiệp như: “Nghiên cứu hoàn thiện kết cấu công nghệ thi công dầm chữ I dài 42m dự ứng lực qua ứng dụng thi công cầu Hòa Xuân, Tp. Đà Nẵng”, “Nghiên cứu hỗ trợ thiết kế gia cường bằng cọc cát cho tuyến đường Nguyễn Tri Phương - Hòa Quý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, “Nghiên cứu thuần chủng nguồn gene cho một số cây dược liệu quý huyện Tây Giang”, “Nghiên cứu phương pháp diệt trù cây Bìm bìm xâm thực trên bán đảo Sơn Trà”, “Nghiên cứu bào chế một số dạng thuốc trà túi lọc mang thương hiệu Duy Tân”… Với tiêu chí “Thống nhất mục tiêu, bàn bạc thực tế, cụ thể, xúc tiến một số hoạt động hợp tác ban đầu để mở tiếp khả năng hợp tác trong tương lai”, PSG. TS. Minh đã giới thiệu rất nhiều lĩnh vực mà Đại học Duy Tân có thể chuyển giao phối hợp như Công nghệ Thông tin, Du lịch, Kiến trúc, Môi trường, Y dược, Sinh học Phân tử… với doanh nghiệp và địa phương.
Ông Võ Duy Khương - Ủy viên Ban Thường vụ - Phó Chủ tịch thường trực UBND Tp. Đà Nẵng phát biểu: “Tôi rất ấn tượng khi Đại học Duy Tân luôn đi đầu trong việc tổ chức các hội thảo. Với nội dung rất phong phú trong hội thảo lần này, tôi tin là Duy Tân sẽ tạo ra những bước đột phá đặc biệt trong tương lai. Có một thực trạng lâu nay vẫn đang diễn ra đó là sự thiếu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong khi các nghiên cứu ra đời không được sử dụng một cách triệt để thì các doanh nghiệp lại loay hoay với việc thiếu nguồn nhân lực, thiếu sản phẩm chất lượng. Chúng ta luôn tự hào về chương trình đào tạo chất lượng nhưng sinh viên mới giỏi lý thuyết còn thực hành vẫn rất yếu. Những thông tin sinh viên bằng cấp nhiều nhưng ngoại ngữ kém, yếu tay nghề, không đáp ứng được công việc khiến cho nhà trường phải suy nghĩ, doanh nghiệp phải băn khoăn. Tôi mong rằng, hội thảo lần này nhiều khúc mắc sẽ được tháo gỡ. Với Duy Tân nói riêng và các trường đại học, cao đẳng nói chung cần phải chủ động đặt hàng với doanh nghiệp, khảo sát và tìm hiểu nhu cầu mà doanh nghiệp đưa ra để xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp. Với doanh nghiệp, cần mạnh dạn đề xuất, gửi yêu cầu để có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.”
Tại hội thảo, nhiều tham luận được trình bày, nhiều vấn đề được đưa ra tranh luận như: sử dụng phần mềm nguồn mở trong đào tạo, quản ký và nghiên cứu khoa học; gắn công tác đào tạo với sản xuất và nhu cầu của xã hội; tầm quan trọng của “kỹ năng mềm” dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng… đã giải đáp nhiều thắc mắc và đáp ứng được sự quan tâm của doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên.
Nhiều ký kết giữa Đại học Duy Tân và các doanh nghiệp đã được thực hiện ngay tại hội thảo như “Hợp tác về đào tạo, giải quyết việc làm, hỗ trợ công tác thực tập cho sinh viên, phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học và hội chợ việc làm” giữa Đại học Duy Tân với Hội Doanh nhân Trẻ Tp. Đà Nẵng; ký kết “Về hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và phát triển phần mềm tự do” với Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam; ký kết “Hai bên cùng hợp tác về đào tạo tuyển dụng và nghiên cứu khoa học” với Furama Resort... Những ký kết ban đầu của Đại học Duy Tân với các doanh nghiệp tại hội thảo đã khẳng định những thành công bước đầu để mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ của nhà trường với các doanh nghiệp, địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới.
(Ban Biên Tập Website)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: