----------
Theo khảo sát của VietnamWorks (trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam, thuộc tập đoàn Navigos Group), nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục tăng, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia nhận định rằng giai đoạn này thị trường lao động sẽ chuyển dần từ sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Cùng điểm qua những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao, hiện được đánh giá là khan hiếm lao động tại Việt Nam năm 2019.
1. Ngành Công nghệ Thông tin
Vietnamworks cho biết, năm 2019 có 53% số công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin cần tuyển thêm 10 - 30% nhân sự, 26% doanh nghiệp tuyển thêm 30 - 50% và 8,7% công ty muốn tuyển dụng cao hơn 50% nhân lực Công nghệ Thông tin.
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, ngành Công nghệ Thông tin mới chỉ có khoảng gần 15% lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Dự kiến với cơn sốt từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng gần 240.000 nhân lực ngành này. Con số này sẽ còn tăng nhanh hơn nữa nếu Việt Nam nắm bắt được thị trường Công nghệ Thông tin trong thời gian tới.
2. Ngành Công nghệ Thực phẩm
Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương ước tính, mỗi năm, người dân Việt Nam sử dụng 15% GDP cho tiêu thụ thực phẩm. Với quy mô dân số hơn 90 triệu người, ngành thực phẩm được đánh giá là “thị trường màu mỡ” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nắm bắt xu thế này, hiện nay các doanh nghiệp trong nước tích cực tăng cường vốn đầu tư mở rộng sản xuất, doanh nghiệp nước ngoài đã và đang tiếp tục đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp về công nghiệp thực phẩm tuyển dụng nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm thực phẩm ở nhiều vị trí khác nhau. Những vị trí này được rải đều ở khắp các doanh nghiệp từ công ty tư nhân vừa và nhỏ, tập đoàn quốc doanh đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cả các doanh nghiệp nước ngoài.
3. Ngành Du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam. Thị trường du lịch khách sạn nhà hàng tại Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa. Mục tiêu tăng trưởng cao đặt ra sức ép lớn cho ngành du lịch, nhất là nguồn nhân lực, trong khi thực tế ngành này vốn vẫn đang rất “khát” nhân lực lành nghề, chất lượng cao.
Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.
4. Ngành Điện tử
Trước cơn bão Cách mạng Công nghiệp 4.0, các nhóm ngành kỹ thuật điện nói chung và ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông nói riêng hiện là những ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường Tp.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành nghề này trong giai đoạn 2020 - 2025 rất lớn, có thể lên đến 16.000 người/năm. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp tại Việt nam đều đang thiếu hụt đội ngũ kỹ sư điện tử và kỹ sư viễn thông chất lượng cao để phục vụ công tác bảo trì, vận hành và nâng cấp hệ thống sản xuất.
Trước làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô, mảng Sản xuất Điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao.
5. Ngành Marketing
Hiện nay, tất cả công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hoặc sản xuất hàng hóa đều cần 1 đội ngũ marketing để quảng bá thương hiệu của mình một cách rộng rãi, để từ đó dễ dàng tiếp cận hơn với khách hàng. Bởi vậy, nhu cầu nhân lực của ngành marketing trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Theo ông Hermawan Kartajaya, nguyên chủ tịch Hiệp hội marketing thế giới cho biết nhu cầu lao động của ngành marketing tại Việt Nam đang và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là khi có sự gia tăng đầu tư của những công ty nước ngoài. Ngành marketing đang trở thành một trong những ngành nghề hot và đang thiếu hụt nhân lực bởi các doanh nghiệp chưa làm tốt công tác chuẩn bị nhân lực, việc đào tạo hiện nay cũng chưa được tương xướng với nhu cầu của thị trường.
5. Ngành Xây dựng
Một quốc gia phát triển đồng nghĩa với việc phải đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng cơ sở. Ở Việt Nam những công trình kiến trúc mang tầm cỡ quốc tế như các tòa nhà cao tầng, công trình đường bộ, đường sắt, công trình công cộng,... ra đời ngày càng nhiều.
Trung bình mỗi năm Việt Nam dành từ 30-40% GDP cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển các khu công nghiệp, ngành nghề, đô thị hóa và các công trình văn hóa, giáo dục, dịch vụ,… Hoạt động xây dựng phát triển với tốc độ cao đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn, đặc biệt là nhu cầu tìm kỹ sư xây dựng, kỹ sư giám sát thi công luôn ở trong tình trạng thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chính sách đào tạo để nâng cao kỹ năng lao động và cơ hội việc làm. Nó đưa người lao động đến với nhiều thách thức, đòi hỏi họ phải nâng cao khả năng thích ứng, trang bị kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Lựa chọn môi trường học tập uy tín và chất lượng sẽ giúp các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng tốt nhất những yêu cầu khắt khe của thị trường lao động hiện nay.
(Nguồn: internet)
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: