Tôn trọng giờ giấc
Đã xa rồi cái thời sinh viên tối thức khuya chăm chỉ học bài, cày game, xem phim rồi sáng ra có thể thoải mái ngủ nướng. Bây giờ, bạn đã là người đi làm, mọi giờ giấc làm việc của bạn phải được quản lý thật tốt. Bạn phải tập cho mình thói quen đúng giờ, bạn không thể đến công ty lúc 9 giờ sáng trong khi giờ bắt đầu là 8 giờ. Mà thay vào đó, bạn phải đến công ty đúng giờ, không những đúng giờ mà có thể là sớm hơn vài phút để kiểm tra lại tại liệu và những thứ mình cần làm cho ngày hôm nay.
Tác phong “công nghiệp”
Bạn sẽ không thể đồng hành với những chiếc quần jean, áo thun đến công ty mỗi ngày nữa mà phải ăn mặc lịch sự, tế nhị hơn, theo đúng kiểu mà người ta thường gọi “tác phong công nghiệp”. Ví dụ như chân váy, kết hợp với áo sơ mi hoặc những bộ vest lịch lãm, giúp bạn trở nên nhã nhặn, chín chắn, phù hợp hơn với người đi làm. Việc biết cách ăn mặc phù hợp cùng là một cách để bạn cho người khác thấy bạn chuyên nghiệp đến thế nào.
Trường hợp, có một số công ty không quá khắc khe về trang phục đi làm hoặc một số ngành nghề có tính chất hướng ngoại, đi nhiều ở ngoài trời, làm những công việc buộc phải ăn mặc thoải mái, không gò bó thì bạn có thể sử dụng quần jean với áo thun nhưng dù sao bạn cũng nên thay đổi cách ăn mặc cho phù hợp với nhân viên công sở.
Tạo ấn tượng
Ngày đầu tiên đi làm, chất chắc cái mác “lính mới” sẽ được gắn cho bạn, và bạn sẽ được rất nhiều cặp mắt để ý, soi mói. Tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn căng thẳng và tự tạo áp lực cho bản thân mình. Việc đầu tiên àm bạn nên làm là tạo cho mình một phong thái đĩnh đạc, thân thiện, hòa nhã với mọi người. Hãy bắt chuyện làm quen với từng người để chứng minh bạn là người biết cách ứng xử. Cùng với đó, một bộ trang phục lịch sự, phù hợp cũng sẽ góp phần giúp bạn ghi những điểm cộng trong mắt đồng nghiệp của mình.
Hoàn thành đúng tiến độ
Khi bạn được giao công việc thì việc đầu tiên là phải lên kế hoạch để thực hiện nó, vạch cho mình một thời gian biểu cụ thể để đảm bảo rằng công việc đó sẽ được hoàn thành đúng thời hạn, hoặc cũng có thể sớm hơn để có thời gian rà soát lại kỹ càng trước khi báo cáo với cấp trên.
Biết đặt câu hỏi
Che đậy sự thiếu hiểu biết của mình không phải là một việc làm hay. Đối với các nhà tuyển dụngthì việc đặt ra những câu hỏi để có thể học hỏi, nâng cao hiểu biết của mình mới là một ứng viên tốt. Bất cứ khi nào bạn gặp thắc mắc dù là vấn đề nhỏ nhất nhưng bạn không thể tự tìm ra câu trả lời thì nên tìm người có thể giúp bạn.
Cẩn thận trong công việc
Dù trước đây bạn là người thường hay bất cẩn trong mọi việc nhưng khi đi làm, hãy rèn cho mình tính cẩn thận để không phải mắc bất cứ lỗi nào, dù là nhỏ. Đôi khi, chỉ vì tính bất cẩn của bạn sẽ khiến bạn phải trả một cái giá rất đắt cho công việc của mình.
Nói “không” khi cần thiết
Dù bạn có xuất sắc đến đâu, có giỏi đến thế nào thì đôi khi bạn sẽ được giao những công việc vượt ngoài năng lực của mình. Đến lúc đó, bạn hãy sử dụng lời từ chối một cách khéo léo để không làm mất lòng sếp của bạn.
Là sinh viên mới ra trường bạn nên tập cho mình những điều căn bản như trên để tránh những bỡ ngỡ ban đầu.