Xuất phát từ nhu cầu thoả mãn tính hài hước của bản thân hoặc mong muốn đơn giản hoá tất cả mọi thứ đến mức tối đa, những CEO này đã nảy ra những ý tưởng điên rồ, để rồi biến chúng thành hiện thực và tạo ra những công ty tỷ đô.
1. Ray Chan – CEO của 9GAG
CEO Ray Chan đã chứng minh cho tất cả thấy rằng độ “nhắng khác người” của mình là hoàn toàn hữu dụng. 9GAG là một trong những website chia sẻ hình ảnh hài hước, ảnh chế lớn nhất thế giới.
Raychan chia sẻ rằng, anh đơn giản chỉ muốn cuộc sống trở nên bớt nhàm chán và cần phải tạo ra một sản phẩm có tính giải trí cao. Trong đầu anh chàng đến từ Trung Quốc đã hình dung đó là một sản phẩm truyền thông trên internet, nơi mọi người có thể chia sẻ những hình ảnh và tình huống hài hước trong cuộc sống.
Lý giải cho thành công của 9GAG, Ray Chan đưa ra hai chân lý hết sức giản dị: “Hãy thử hết sức mình trước khi từ bỏ” và “Nếu bạn có bất kỳ ý tưởng nào, hãy phát triển nó. Đừng bao giờ chỉ nói mà không bắt tay vào làm”.
2. David Karp – CEO Tumblr
Triệu phú tuổi đôi mươi David Karp – người sáng lập mạng xã hội Tumblr là người sống vô cùng giản dị, không thích hội họp và muốn biến mọi thứ về những chuẩn mực đơn giản nhất có thể theo triết lý tối giản. Có lẽ vì ảnh hưởng mạnh mẽ từ tính cách của vị CEO này mà những gì Tumblr thể hiện đều mang những nét đặc trưng, khác hoàn toàn so với những trang mạng xã hội cùng thời.
Tumblr là công cụ để người dùng internet chia sẻ và blog các thông tin online. Tumblr khá nổi tiếng ở các nước phương Tây nhờ sự đơn giản và tiện dụng mà nó mang lại. Đây cũng là điểm đặc biệt, phân tách Tumblr với các trang blog khác và đem tới một lượng lớn người dùng thích trải nghiệm những thứ mới mẻ mà không cần tốn quá nhiều thời gian.
Karp không chấp nhận sự rườm rà, thừa thãi làm ảnh hưởng đến Tumblr. Nếu như Facebook là nơi mọi người chia sẻ, cập nhật về cuộc sống hàng ngày, còn Twitter là nơi mọi người theo dõi các sự kiện diễn ra trên khắp thế giới thì Tumblr là cách để họ thể hiện bản thân trước công chúng. Giống hai mạng xã hội trên, Tumblr cập nhật các post theo thời gian, nhưng trực quan, đẹp và giàu cảm xúc hơn.
David Karp luôn cố gắng xây dựng nó thành một công cụ giúp cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn. Không tính quãng thời gian đầu quân cho Yahoo, lượng truy cập hàng chục tỷ lượt mỗi tháng và hoàn toàn từ chối treo quảng cáo vào thời điểm những năm 2007 quả thực là những kỉ lục mà thời gian đó những trang mạng nổi tiếng nhất cũng phải chào thua.
3. Peter Bonac – CEO kiêm nhà thiết kế chính của Mobiado
Peter Bonac là một CEO khá trầm tính, hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự kín tiếng trong đời sống cá nhân của Peter lại đối lập hoàn toàn với tiếng vang mà nhà thiết kế này gây dựng cho thương hiệu Mobiado.
Dù không được nổi tiếng bằng Vertu nhưng Mobiado cũng là 1 cái tên lớn ở Việt Nam và trên thế giới. Điều tạo nên thành công cho công ty thuộc sở hữu của tập đoàn Bonac Innovation, Canada này chính là ở triết lý tưởng chừng như đơn giản nhưng cực kỳ khó thực hiện: Tiên phong, đổi mới và luôn hướng đến những thứ tốt nhất.
Hầu hết các mẫu điện thoại trên thị trường đều được sản xuất với số lượng lớn, và nguyên liệu phổ biến nhất là nhựa. Ngay cả khi sử dụng kim loại thì đấy cũng chỉ là những khuôn đúc sẵn. Quá trình sản xuất máy đều rất nhanh, rất rẻ và kết quả là chúng chẳng có gì nổi bật.
Còn Mobiado, ngay từ đầu họ đã có 1 ý tưởng hoàn toàn khác. Tất cả các sản phẩm của Mobiado phải là những sản phẩm độc đáo nhất và có chất lượng cao nhất.
Đó là lý do Mobiado chọn công nghệ cao cấp CNC để chế tạo nên điện thoại của mình và sử dụng vỏ gỗ cho điện thoại bởi vỏ gỗ vừa bền vững, chống va đập, gần gũi với thiên nhiên và lại cực kỳ sang trọng…
Chính nhờ triết lý luôn tiên phong và luôn hướng tới những gì tốt nhất, Mobiado đã đạt được những thành công lớn và trở thành 1 trong những thương hiệu điện thoại đắt giá được ưa chuộng nhất thế giới hiện nay. Peter Bonac đã từng so sánh những mẫu điện thoại công ty ông làm ra giống như những chiếc Ferrari luôn vượt lên top đầu trên đường đua. Thực tế thì logo sư tử của Mobiado cũng giống với chú ngựa đen của Ferrari, luôn hướng tới phía trước với đam mê chinh phục những đỉnh cao tưởng chừng như không thể.
4. Travis Kalanick – CEO Uber
Sôi nổi, cương quyết, đầy đam mê pha chút điên rồ là những điều làm người ta nhớ đến Travis Kalanick, “cha đẻ” của dịch vụ Uber. Từ một dịch vụ đặt xe limousine dành cho thành phố San Francisco, Kalanick đã giúp Uber phủ sóng gần một trăm quốc gia và hợp tác với hàng trăm ngàn tài xế trên toàn thế giới.
Ông chủ của Uber gặt hái thành công từ những ý tưởng kinh doanh táo bạo và đột phá. Uber ra đời vào một đêm đầy tuyết ở Paris năm 2008, khi Kalanick và bạn của anh là Garrett Camp không thể gọi taxi. Lúc đó, cả hai thề sẽ xử lý vấn đề này bằng một ứng dụng cách mạng. Ứng dụng đó rất đơn giản: chỉ cần nhấn nút và sẽ gọi được xe.
Được sáng lập từ năm 2009, song Ubercab ra mắt lần đầu tiên tại San Francisco vào mùa hè năm 2010, điều hành vài ba chiếc xe, tuyển dụng khoảng 10 nhân viên và có một ít tiền tài trợ. UberCab đã hoàn thành mục tiêu của hai doanh nhân trẻ: Thu gọn thị trường taxi trong một nút bấm.
Trải qua những thăng trầm với hàng tỉ USD huy động được qua các vòng tăng vốn, bị cấm ở nhiều thành phố trên thế giới và tốc độ mở rộng đáng kinh ngạc ở các thành phố khác, Uber – ứng dụng cung cấp dịch vụ gọi taxi, đã trở thành hình mẫu của sự sáng tạo tại Thung lũng Silicon.
5. Evan Spiegel – CEO Snapchat
CEO của Snapchat là tỉ phú trẻ tuổi nhất và cũng… “điên” nhất trong làng công nghệ thế giới. Thế nhưng những thành công của anh khiến tất cả thế giới phải công nhận anh đúng là một thiên tài.
Ra đời vào tháng 9 năm 2011, giữa lúc Mark Zuckerberg đang làm mưa làm gió với thành công của Facebook, Snapchat của Spiegel như một hiện tượng của làng công nghệ. Ý tưởng kỳ dị về một ứng dụng nhắn tin… tự động xóa tin nhắn sau khi người đọc đã xem là điều không ai nghĩ tới, thậm chí bị coi là “điên”.
Sự điên rồ trong ý tưởng đó đã giúp Snapchat nhanh chóng chinh phục giới trẻ tại Mỹ. Ứng dụng này được ưa chuộng bởi người ta có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời chia sẻ mà chẳng sợ chúng bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook. Với Snapchat, mọi thứ chỉ đơn giản là giao tiếp, chia sẻ và… quên nó đi (bạn có muốn nhớ cũng chịu vì Snapchat sẽ tự động xóa tin nhắn).
Sau khi từ chối lời đề nghị mua lại của Facebook (3 tỷ USD) và Google (4 tỷ USD), giờ đây Snapchat được định giá thị trường lên tới 16 tỷ USD. Ứng dụng “điên rồ” của Spiegel đã trở thành một trong những sản phẩm công nghệ đáng chú ý nhất thế giới hiện nay.
(Nguồn: Sưu tầm )
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: