TP - Lê Phương Thảo, tức Lê Công Cơ - nhân vật chính trong tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu” xôn xao một thời của Nguyễn Khắc Phục, ngày 18/3 này chính thức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, ở tuổi 75. Những ai quen biết đều nhận ra ở ông một cuộc đời với nhiều chương hồi còn hơn tiểu thuyết…
Có số ít nhân vật Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ Đổi mới mà quá trình “lập công” quan trọng nhất để trở thành anh hùng chỉ diễn ra khi đã… nghỉ việc nhà nước. Ông Sáu Tường, tức bác sĩ Nguyễn Vĩnh Nghiệp, cố Chủ tịch TPHCM, được phong AHLĐ năm 2002 khi 72 tuổi, với tư cách “Hiệp sĩ của người nghèo” là một người như vậy. Và nay là Lê Công Cơ, xin nghỉ hưu khi mới 52 tuổi, để hơn 20 năm sau trở thành người đầu tiên làm giáo dục Đại học ngoài công lập được phong tặng danh hiệu này. Gần 60 năm trước, giữa lòng Sài Gòn, ông Cơ khi ấy là cậu bé giao liên bí mật đưa thư từ cho các đồng chí lãnh đạo, trong đó có ông Sáu Tường.
Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và đầy cam go của ông Cơ, tiểu thuyết đã viết hết rồi. Chủ tịch Liên hiệp Học sinh sinh viên giải phóng khu Trung Trung bộ, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng từ năm 23 tuổi. Bí thư Tỉnh Đoàn Thừa Thiên- Huế năm 28 tuổi. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng…
Theo cách mạng từ năm 13 tuổi, bao phen thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng đến khi hòa bình thì nồi cơm của gia đình ông bị chính những người đồng chí cắt bỏ.
Đó có lẽ là chương đời dữ dội nhất với Lê Công Cơ. Tháng 9/1978, học xong khóa Cao cấp chính trị tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Hà Nội, ông buộc phải chuyển công tác từ Bình Trị Thiên về Ủy ban MTTQVN tỉnh QNĐN. Ngay sau đó, ông bị đình chỉ công tác, chịu sự “kiểm tra” thẩm vấn của tổ chức. Với nghi vấn ông là…CIA của Mỹ (?!) Suốt 3 năm 8 tháng sau đó, ông phải viết đến 800 trang tự thuật. Cứ viết đi rồi viết lại. Lương thì bị cắt. Đói. Đau nhất là vợ con.
Vợ chồng con cái, cộng với một mẹ già, 5 miệng ăn thời bao cấp không lương, không tem phiếu. Giữa lúc bơ vơ, may mắn được những quần chúng cách mạng ngày trước dang tay cưu mang. Đầu tiên là rủ làm bánh mì. Cứ 2 giờ sáng đạp xe đến lò bánh mì cùng tốp thợ đốt than, nhào bột. Rồi vợ chồng đạp xe đi bỏ bánh. Liên Xô không còn bột mỳ viện trợ cho Việt Nam nữa, giá bột nhảy vọt, nghề làm bánh phá sản. Ông xoay sang làm nghề mộc học mót được của cha hồi nhỏ. Cũng không xong. May mắn được dì Tám, một cơ sở cách mạng cũ bày cách làm nước mắm nhĩ. Vậy là cứ 3 giờ sáng ông lọc cọc đạp xe xuống bến cá Thuận Phước mua cá vụn mang về lọc làm nước mắm.
Về sau ông cũng được Bí thư tỉnh ủy Hồ Nghinh chỉ thị bên Mặt trận cho hưởng nửa suất lương “ân huệ”. Ông Hồ Nghinh chính là nhân vật “Ông già áo xanh” trong tiểu thuyết “Học phí trả bằng máu”. Là người năm xưa đã dạy ông Cơ những bài học đầu tiên về hoạt động cách mạng trong lòng địch, và cũng là người kết nạp ông vào Đảng.
Giai đoạn này nghi kydấy lên nhiều nơi. Cơ sở nhiều anh em gục ngã. Có người chọn cái chết. Tôi nói với anh em phải đứng vững, ông kể.
Không gục ngã. Bởi ông lúc nào cũng nhận ra rằng “Đời tôi luôn từ không đến có, không ai lo sẵn cho mình”. Đến học phí làm người cũng phải trả bằng máu và nước mắt rồi, còn gì để mất. Cho đến cái Tết vừa rồi, ở tuổi 75, gặp gỡ anh em báo chí thân tình, ông vẫn nhắc lại, một cách đầy tự hào.
1.335 ngày sóng gió rồi cũng đi qua. Từ năm 1981, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh. Năm 1987, để khẳng định tinh thần Đổi mới mà Đảng khởi xướng sau Đại hội VI (1986), Lê Công Cơ nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Thời bấy giờ, ba chữ “tự ứng cử” gần như “húy kỵ”. Lãnh đạo bất ngờ, liền chỉ thị trường hợp ông “Đảng không giới thiệu”, đề nghị rút. Ông kiên quyết giữ quan điểm. Không khí rất căng thẳng. Tố chất gan lỳ, luôn vượt lên tuyến đầu trong chiến tranh. Dù được cảnh báo nếu không trúng cử sẽ rớt luôn chức Phó Mặt trận. Trong danh sách ứng viên, ông được “kẹp” chung với một nhà chính trị nổi tiếng, bất lợi rành rành. Ông quyết định làm một việc chưa từng có tiền lệ, đó là tự báo cáo Chương trình hành động trước dân như một cách tranh cử. Người đàn ông 40 tuổi nặng 40 cân ấy một mình lặn lội khắp 15 xã, 4 phường và 6 huyện để nói chuyện, báo cáo chương trình hành động của mình.
Tháng 4/1987, kết quả bầu cử được công bố, Lê Công Cơ trở thành đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992).
* *
Tại nhiều hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế tổ chức tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), tôi hay quan sát gương mặt nghiêm nghị nhưng ánh mắt lại luôn hóm hỉnh của Tiến sĩ Phó hiệu trưởng sinh năm 1980 Lê Nguyên Bảo. Rồi nhớ lại những trang hồi ký của người cha Lê Công Cơ. Cảnh ông khóc lặng khi sờ cái đầu “mềm như mít chín” của Bảo do dùng máy hút khi sinh tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, sau cơn chuyển dạ kéo dài đến 5 ngày của mẹ. Có lẽ do người vợ quá lo nghĩ cho chồng, cộng với thiếu thốn dinh dưỡng… 18 tuổi, Bảo được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương, nhưng sau đó lấy học bổng sang Mỹ học Công nghệ thông tin, và lập gia đình tại Mỹ với một Tiến sĩ ngành Dược.
Năm 2006, Tiến sĩ Bảo về nước giúp cha tiếp tục sự nghiệp với Đại học Duy Tân. Bốn năm sau, đến lượt chị gái sinh năm 1976 Lê Nguyễn Tuệ Hằng, cũng tạm biệt chồng con ở Mỹ về với Duy Tân. Tuệ Hằng du học Úc theo học bổng, rồi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Tài chính tại Đại học Washington, hiện đang học Tiến sĩ ngành Quản trị đại học tại Đại học North Eastern (Boston). Huy, chồng Hằng cũng người Đà Nẵng, là một chuyên gia Tin học làm việc tại đại bản doanh Microsoft ở Washington, năm nay cũng sẽ đưa con về định cư Đà Nẵng với đại gia đình Duy Tân.
Khát khao với con chữ, và giấc mơ về một trường đại học của riêng mình dài suốt đời ông. Năm 1993, ông xin nghỉ hưu non ở tuổi vừa chớm 52. Ngoài 50 tuổi mới bắt tay vào thực hiện ước mơ đời mình, có muộn quá không? 18 tuổi đã làm một giáo chức dạy giờ ở bậc Trung học, đến 23 tuổi giã từ trường lớp đi kháng chiến. Năm 1975, được giao kiêm nhiệm chức Tổng thư ký Viện Đại học Huế. Rồi số phận lại cuốn ông ra khỏi môi trường học đường, nay mới tìm về.
Ông Lê Công Cơ qua nét vẽ của sinh viên Duy Tân.
Năm 1987, đề án lập Đại học tư thục do ông và GS Trần Văn Thọ (ĐH Tokyo, Nhật Bản) lập, ra đến Hà Nội liền bị đồng chí Phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng gạt phắt, với lời khuyên đừng bao giờ mơ đến nó nữa, bởi CNXH sẽ không bao giờ chấp nhận đại học tư thục! Không nản chí, ông “chẻ nhỏ” dự định của mình. Bằng cách xin mở Trung tâm Anh ngữ thực hành tư thục đầu tiên của miền Trung. Tiếp đến, từ hai chiếc máy vi tính 286 của người bạn từ Canada tặng, ông xin lập tiếp Trung tâm Kỹ thuật Điện tử - Tin học. Rồi từng bước ông xin phép liên kết đào tạo, nâng cấp dần trong việc đào tạo trình độ cử nhân, cao đẳng ngoại ngữ và tin học.
Từ năm 1992, ông lại xúc tiến thủ tục xin mở đại học tư. Khi cả nước vẫn chưa hề có một hành lang pháp lý nào về việc này. Đến đầu năm 1994, Quy chế đầu tiên về Đại học tư thục được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành. Vợ chồng ông thế chấp ngân hàng ngôi nhà đang ở, được vỏn vẹn 120 triệu đồng để hoàn chỉnh đề án, trình Chính phủ. Cái tên đầu tiên Đại học tư thục Miền Trung bị Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh bác. Đổi qua Đại học Duy Tân, cũng bị bác luôn. Có lẽ hai chữ Duy Tân “nhạy cảm” quá chăng. Nhưng ông quyết bảo vệ đến cùng quan điểm Duy Tân - Đổi mới giáo dục của mình. Một hôm, tại văn phòng Chính phủ, ông “liều mình” chặn đường xin gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng sau khi nghe ông trình bày về hai chữ Duy Tân, đã đồng tình, ghi mấy chữ: “Kính gửi anh Khánh! Tôi cho rằng, nên cho phép đồng chí Lê Công Cơ được đặt tên trường là Duy Tân, vì đây là một phong trào lớn do nhà cách mạng Phan Châu Trinh khởi xướng và phù hợp với một ngôi trường đại học tại Đà Nẵng, miền Trung”…
Tôi chợt nhận ra, như một người chơi cờ lão luyện, ông Cơ đã tính trước những bước đi xa thăm thẳm về phía trước. Để chuẩn bị vững vàng cho sự kế cận, tiếp nối sau này. Ông luôn tâm niệm: Đảng viên phải là người yêu nước nhất. Con trai ông đã phấn đấu vào Đảng, cùng chung đội ngũ với cha.
Hơn 20 năm liên tục làm việc suốt hơn 10 tiếng mỗi ngày, phòng làm việc của Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ trên tầng cao đường Quang Trung, Đà Nẵng buổi tối luôn sáng đèn, đến nỗi nhiều lúc khuya quá bảo vệ phải lên xem chừng. Ông chủ trương một đại học Hiện đại và Nhân văn. Hiện đại là đã liên kết đào tạo, trao đổi nghiên cứu khoa học với hầu hết các đại học lớn trên thế giới, tạo được thương hiệu riêng. Một phần ba trong tổng số gần 1.000 giảng viên, cán bộ nhân viên của trường được đào tạo nâng cao tại Mỹ, Singapore… Vô số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, giải thưởng quốc tế. Và cũng không nhớ hết những cuộc nói chuyện của ông với bao thế hệ sinh viên Duy Tân. Về một Khát vọng Việt Nam. Như Tủ sách “Đáp lời sông núi” trường phối hợp với NXB Trẻ TP HCM ấn hành; như cách ông viết và tổ chức hàng chục ngàn trang và hàng loạt hội thảo về truyền thống phong trào HSSV ngày trước và sứ mệnh tuổi trẻ trí thức ngày nay. Như bộ sách nhiều tập “Việt Nam - Hôm qua, hôm nay, ngày mai” ông đang phát động sinh viên viết…
» Tin mới nhất:
» Các tin khác: